CHẾ ĐỘ ĂN CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ DƯƠNG VẬT

SKĐS – Ăn uống lành mạnh quan trọng với người bệnh ung thư, trong đó có ung thư dương vật. Chế độ ăn uống của người bệnh trong và sau khi điều trị nhằm duy trì cân nặng, duy trì năng lượng để đáp ứng quá trình điều trị tốt hơn và phục hồi nhanh hơn.

Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư dương vật

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, ở Việt Nam hiện nay nhiều bệnh nhân ung thư gặp tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng, thậm chí suy kiệt trầm trọng hơn.

Nếu bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh sẽ khó theo hết được các giai đoạn điều trị. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân.

chế độ ăn cho người ung thư dương vật
Những bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng cách sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, khối u ác tính làm thay đổi chuyển hóa bình thường của cơ thể, làm cơ thể tiêu hao năng lượng nhiều hơn, các tế bào, mô của cơ thể bị phá huỷ, bao gồm cả các khối cơ. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh. Đồng thời, nó cũng làm tăng giá trị tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong của bệnh nhân ung thư.

Chính vì vậy, người bệnh ung thư, trong đó có ung thư dương vật cần phải có một chế độ ăn đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm, bột đường, béo, vitamin và khoáng chất. Tùy theo giai đoạn bệnh lý, tuổi tác, giới tính mà có chế độ ăn và cách chế biến khác nhau. Người bệnh cần thường xuyên theo dõi cân nặng của mình trước, trong và sau quá trình điều trị, tốt nhất một tháng một lần.

Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh ung thư dương vật

Theo TS.BS. Phạm Thị Việt Hương, chuyên khoa ung thư, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, việc đáp ứng đủ dinh dưỡng khi điều trị ung thư sẽ mang lại lợi ích như: duy trì được sức khỏe để theo đuổi quá trình điều trị, hạn chế được độc tính và tác dụng phụ của thuốc hóa trị, xạ trị, nhanh chóng làm lành vết mổ, phục hồi sức khỏe nhanh sau phẫu thuật, cải thiện tâm trạng người bệnh.

1. Về thực phẩm bổ sung

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết, cho đến nay không có chất bổ sung nào (bao gồm vitamin, khoáng chất và các sản phẩm thảo dược) được chứng minh là giúp giảm nguy cơ ung thư dương vật tiến triển hoặc quay trở lại.

ung thư dương vật
Người bệnh ung thư dương vật cần phải có một chế độ ăn đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất.

2. Dinh dưỡng trong quá trình điều trị ung thư

TS.BS. Phạm Thị Việt Hương cho biết, việc duy trì dinh dưỡng đầy đủ là cơ sở nền tảng của việc điều trị. Người bệnh ung thư cần cân đối các nguồn thực phẩm theo tỷ lệ: 30% các loại hạt; 30% thức ăn từ các loại củ; 20% từ các loại rau, quả; 10% từ đạm động vật như cá, tôm, cá hồi, cá quả, bào ngư, sò huyết, hải sâm, yến… 10% còn lại có thể từ các nguồn dinh dưỡng chế biến khác như tảo biển, tảo nâu, phiêu sinh vật biển…

Dinh dưỡng hợp lý thông qua chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư để giúp chữa lành, phục hồi, duy trì sức khỏe trước và sau phẫu thuật, trong quá trình hóa trị hoặc xạ trị.

Mỗi ngày chế độ ăn uống của người bệnh nên bao gồm 5 phần trái cây, rau quả trở lên, protein trong mỗi bữa ăn, nhiều ngũ cốc nguyên hạt và 2 đến 3 phần sản phẩm từ sữa. Ăn theo cách này sẽ đảm bảo cơ thể nhận được protein, năng lượng, vitamin và khoáng chất để tái tạo mô, ngăn ngừa nhiễm trùng.

Thực phẩm giàu protein: Bao gồm thịt nạc, thịt gia cầm, cá, hải sản, trứng, phô mai, sữa, sữa chua, sữa đậu nành, các loại hạt, đậu, đậu lăng và một số loại ngũ cốc… Những thực phẩm này đặc biệt quan trọng để chữa bệnh, sửa chữa các mô và chức năng miễn dịch.

Đôi khi, nếu cảm giác thèm ăn giảm đi, cần ăn thức ăn có mật độ calo cao như kem, nước sốt bơ, sữa nguyên chất và nước dùng thịt. Đây là những thực phẩm mà chúng ta có thể chọn tránh khi thực hiện chế độ ăn kiêng phòng ngừa ung thư, tuy nhiên, có thể cần phải bổ sung những thực phẩm này trong giai đoạn điều trị nếu cân nặng và lượng thức ăn ăn vào của người bệnh bắt đầu giảm đi.

ung thư dương vật
Trái cây giàu chất chống oxy hóa tốt cho người bệnh ung thư dương vật.

Trái cây và rau quả: Những loại này rất giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác cũng hỗ trợ chữa bệnh, chống nhiễm trùng, giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư.

Uống đủ nước: Việc tiêu thụ đủ chất lỏng cũng cực kỳ quan trọng. Mất nước do thiếu nước uống là một trong những lý do phổ biến khiến bệnh nhân phải nhập viện trong quá trình điều trị. Duy trì đủ nước đặc biệt quan trọng trong quá trình hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch để giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Nó cũng có thể giúp thay thế lượng nước bị mất do tác dụng phụ của quá trình điều trị, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Một số lưu ý về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư dương vật

Đối phó với tình trạng chán ăn

Mất cảm giác ngon miệng là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi điều trị ung thư. Ăn đủ lượng calo có thể khá khó khăn khi giảm cảm giác thèm ăn. Điều này dẫn đến mệt mỏi, suy nhược và mất khả năng thực hiện các hoạt động thông thường của người bệnh.

Thông thường, một lượng nhỏ thức ăn có thể mang lại cảm giác no, hạn chế khả năng ăn đủ bữa. Trong thời gian này, điều quan trọng là phải chú ý, cố gắng ăn từng chút một.

Ăn thực phẩm có mật độ calo cao

Thực phẩm có mật độ calo cao có thể giúp tăng lượng calo mà không làm tăng khối lượng thức ăn. Một số thực phẩm có mật độ calo cao bao gồm: phô mai, các loại hạt, đồ ăn nhẹ, nước thịt, nước sốt salad, kẹo sô cô la, sữa lắc, hầu hết các món tráng miệng, sữa nguyên kem, súp kem và thịt hầm…

ung thư dương vật
Duy trì dinh dưỡng đầy đủ góp phần vào hiệu quả điều trị.

Ăn nhẹ thường xuyên

Ăn một lượng nhỏ thường xuyên hơn cũng có thể giúp ích. Cố gắng để đồ ăn nhẹ ở nơi dễ nhìn thấy và trong tầm tay. Tối ưu hóa việc sử dụng các loại thực phẩm tiện lợi, ít cần chuẩn bị.

Ăn uống đầy đủ khi xạ trị

Các tác dụng phụ của xạ trị thường bắt đầu xảy ra khoảng 2 tuần sau khi điều trị. Các tác dụng phụ thông thường của việc chiếu xạ đến vùng đầu và cổ có thể bao gồm khó nhai hoặc nuốt do đau miệng và cổ họng, ợ nóng và cảm giác đầy hoặc áp lực ở vùng thực quản ngay phía trên dạ dày.

Một hiện tượng phổ biến khác trong quá trình điều trị có thể là khô miệng hoặc nước bọt rất đặc, điều này cũng khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Tất cả những tác dụng phụ này góp phần làm giảm lượng thức ăn và đồ uống tổng thể dẫn đến giảm cân và đôi khi mất nước.

Thực phẩm ẩm, dễ nhai và nuốt cũng được khuyến khích. Đối với một số cá nhân, việc tiêu thụ lượng calo và protein này ở dạng lỏng như sữa lắc hoặc đồ uống giàu protein thương mại hoặc “thức uống bổ dưỡng” sẽ dễ dàng hơn.

Một số thực phẩm giàu calo, giàu protein và dễ nhai, dễ nuốt bao gồm: cháo thịt, súp, phô mai, trứng, sữa chua, bánh pudding, thịt mềm, đậu phụ, sữa trứng, sữa nguyên kem, thịt hầm, mì ống với sốt kem, súp kem…

Không hút thuốc

Nicotine có thể làm hỏng mạch máu và khiến việc kiểm soát ung thư dương vật trở nên khó khăn hơn. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư mới hoặc tái phát. Không sử dụng thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá không khói thay cho thuốc lá điếu hoặc để giúp bỏ thuốc lá vì chúng vẫn chứa nicotin.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng trong quá trình trị liệu để đưa ra các đề xuất liên tục và cá nhân hóa kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng dựa trên nhu cầu cá nhân.

NGUỒN: Theo báo SKĐS

Tác giả